Trong bài viết: Những vấn đề sức khỏe trẻ có thể gặp phải khi bơi lội (phần 1), chúng tôi đã chia sẻ tới quý bạn đọc những chấn thương và việc nhiễm lạnh trẻ có thể gặp phải khi tham gia bơi lội. Trong phần tiếp theo của bài viết, chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ tới cho quý bạn đọc những vấn đề sức khỏe khác mà trẻ có thể gặp phải khi tham gia bơi lội:
1. Viêm màng mắt khi bơi
Triệu chứng:
- Mắt đỏ, gây nhức nhối
- Hiện tượng xung huyết ở mắt
- Làm cho trẻ sợ ánh sáng, nước mắt chảy nhiều, thị lực giảm…
Dự phòng:
- Tăng cường khử độc, khử trùng nước bể bơi. Khống chế hàm lượng khí thải trong nước (hàm lượng khí Clo là 0,8 - 2,4 mg/l)
- Cấm người đã bị đau mắt đỏ xuống bể bơi để tránh lây nhiễm
- Khi bơi nên đeo kính bơi để nước không tiếp xúc với màng mắt và tránh khí Cl2, vi khuẩn xâm nhập
- Sau khi bơi tốt nhất là nhỏ thuốc Clorua Phenicon 0,4% hoặc Streptomicin pha loãng (do dược sĩ hoặc y bác sĩ pha sẵn). Cũng có thể dùng nước muối sạch pha loãng.
- Khi thấy có hiện tượng đỏ mắt nên dừng ngay tập bơi.
2. Viêm tai
Triệu chứng:
- Bộ phận xung quanh tai viêm tấy đỏ, sốt và đau dữ dội. Nếu bị viêm trầm trọng có thể bị chảy máu ở phần tai.
- Những người bị viêm tai giữa còn kèm theo hiện tượng đau đầu, sốt, buồn nôn…
Nguyên nhân:
- Nước bể bơi không sạch
- Nước lọt vào tai không lấy ra hết mà dùng ngón tay hoặc vật cứng ngoáy lỗ tai sẽ làm tổn thương lớp da ống tai hoặc làm thủng màng nhĩ tạo điều kiện cho vi khuẩn trực tiếp xâm nhập vào tai
- Khi đã bị viêm đường hô hấp như viêm mũi họng…hoặc đang bị cảm cúm tuyệt đối không xuống nước bơi
Dự phòng:
- Xử lý nguồn nước của bể bơi, hồ bơi; làm cho nước được trong sạch vô trùng
- Nếu người nào bị thủng màng nhĩ hoặc có hiện tượng bị đau tai thì nên dừng ngay việc tập bơi
- Tập thở cho tốt để tránh sặc nước quá nhiều lần, có thể dùng nút lỗ tai khi bơi
- Nước vào tai nên dừng bơi, lên bờ làm động tác nghiêng đầu về phía tai bị nước vào, có thể xử lý bằng 1 trong 2 cách sau:
- Dùng cùi tay ấn chặt vào lỗ tai rồi nhảy lò cò một chân cho nước trong tai chảy ra, tuyệt đối không được dùng ngón tay hoặc vật cứng ngoáy tai.
- Lấy lòng bàn tay áp sát vào vành tai rồi nín thở. Sau đó giật nhanh bàn tay rời khỏi vành tai để hút nước trong tai ra. Cứ mỗi lần ấn bàn tay vào vành tai lại nín thở rồi giật nhanh tay ra cho đến khi cảm thấy trong tai hết nước thì dừng.
3. Viêm mũi họng
Viêm mũi, viêm họng được coi là một bệnh nghề nghiệp của bơi lội
Triệu chứng:
- Hai sống mũi đau nhức, nước mũi chảy nhiều. Bệnh nghiêm trọng sẽ có nước mũi quánh đặc màu vàng hoặc hơi bị xanh, đôi khi kèm theo đau đầu.
- Khi viêm họng, họng sẽ tấy đỏ lên, kèm theo sốt và ho, hơi đau đầu.
Nguyên nhân:
- Hít thở trong khi bơi không đúng cách nên bị sặc nước
- Không chú ý tới việc vệ sinh thì mũi, họng.
Dự phòng:
- Luôn giữ vệ sinh chung, để đảm bảo cho nước bể bơi, hồ bơi luôn trong sạch vô trùng.
- Tập thở đúng cách để ít bị sặc nước.
- Nếu nước vào mũi và họng, phải xỉ thật mạnh cho nước ra hết, tránh bóp mạnh mũi để nước vào tai giữa sẽ gây ra viêm tai giữa.
- Sau mỗi lần tập bơi phải nhỏ mũi bằng thuốc nhỏ mũi, như Naphazolin 0.05% và xúc miệng bằng nước muối.
Trường hợp đã bị viêm mũi, họng, cần chữa trị ngay, tránh để lâu dễ bị viêm xoang và viêm họng hạt, viêm họng có mủ. Ngoài ra, nên dùng khăn mặt nhúng nước ấm đắp lên mũi, để tăng cường tuần hoàn mũi và giúp cho bệnh chóng lành.
Theo tài liệu: "Hướng dẫn thí điểm dạy bơi phòng chống đuối nước trẻ em từ 6-15 tuổi tại các tỉnh triển khai dự án" - Bộ Lao động - Thương binh và xã hội