Bơi lội là một hình thức thể dục, vận động hoàn hảo và đem lại cực kỳ nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trẻ em nên được học bơi để tăng cường sức khỏe, giúp cho sự phát triển thể chất toàn diện và để giảm thiểu nguy cơ đuối nước. Tuy nhiên trong quá trình bơi, trẻ hoàn toàn có thể gặp phải các sự cố không mong muốn nếu như không có sự chuẩn bị cả về thể chất và kiến thức. Dưới đây là một số vấn đề sức khỏe trẻ có thể gặp phải trong khi bơi.
1. Chấn thương khớp
Trong tập luyện thể thao nói chung và tập bơi nói riêng, chấn thương khớp là hiện tượng thường xảy ra. Đặc biệt, vận động viên bơi trườn sấp và bơi bướm thường dễ bị chấn thương khớp vai, còn vận động viên bơi ếch lại dễ bị chấn thương khớp gối.
Chấn thương khớp vai
Nguyên nhân: Chấn thương khớp vai thường gặp phải khi không khởi động kỹ khớp vai mà đã xuống bơi nhanh hoặc dùng sức mạnh, sức ép lớn. Cũng có thể là do dùng bàn quạt quạt nước khi bơi đã quá mệt mà lại cố sức.
Cách dự phòng:
- Khởi động kỹ khớp vai trong tập bơi
- Khi tập dẻo khớp vai, cần phải tập nâng dần khối lượng, phải tập từ nhẹ đến nặng, từ dễ đến khó.
- Khi tập với bàn quạt chú ý không được cố quá khi đã mệt mỏi.
- Khi xuất hiện hiện tượng chấn thương vai (đau nhẹ hoặc quay vai khó khăn), nên dừng tập vài ngày hoặc tập nhẹ nhàng phần chân. Sau đó về chườm nóng và xoa bóp nhẹ nhàng ở phần vai. Nếu bị giãn dây chằng nặng cần trị liệu khỏi hẳn mới tập.
Chấn thương khớp gối
Nguyên nhân:
- Dùng sức đạp chân không phù hợp, gân phụ đó chịu không nổi cường độ làm việc (quá tải)
- Các bộ phận chịu tải quá nặng như bơi quá nhanh, bơi quá dài…
- Động tác kỹ thuật không chính xác, không làm đúng tư thế, dùng sức không hợp lý.
Cách dự phòng:
- Khởi động kỹ khớp háng, khớp gối và khớp cổ chân bằng các động tác xoay khớp, đứng lên ngồi xuống, các động tác ép ngang, ép dọc hoặc xoa bóp chườm nóng các khớp gối, cổ chân…
- Kết hợp động tác kỹ thuật với các bài tập phát triển sức mạnh chân
- Sắp xếp xen kẽ giữa động tác tay với động tác chân, không nên tập kéo dài một động tác
- Sau khi phát hiện khớp gối bị tổn thương, nên giảm khối lượng vận động hoặc dừng tập luyện
- Những người bị tổn thương nặng (sưng hoặc đau dữ dội…) phải dừng ngay tập luyện và chẩn trị y học.
2. Đề phòng nhiễm lạnh
Trong khi bơi lội cần tránh cho các trẻ bị nhiễm lạnh. Vì nhiễm lạnh sẽ làm cho sức đề kháng giảm, dễ bị cảm sốt hoặc viêm nhiễm.
Các triệu chứng:
- Ban đầu là triệu chứng run rẩy
- Khi qua giai đoạn rét run thì da, môi tím lại. Nếu giai đoạn này kéo dài sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Cách xử lý:
- Cho trẻ lên khỏi bể bơi, lau khô người rồi mặc ấm. Cho trẻ uống 1 - 2 ngụm nước ấm (nếu có), rồi ngồi vào chỗ khuất gió. Có thể cho trẻ chạy nhẹ nhàng cho nóng người.
- Nếu mặt mày tím tái (bị nặng) có thể dùng dầu gió xoa vào rốn, lòng bàn tay, bàn chân và hai lỗ mũi của các em.
- Tránh không để các em nằm yên tĩnh một chỗ, mà nên để các em ngồi hoặc đi lại nhẹ nhàng ở nơi kín gió.
(Còn nữa)
Theo tài liệu: "Hướng dẫn thí điểm dạy bơi phòng chống đuối nước trẻ em từ 6-15 tuổi tại các tỉnh triển khai dự án" - Bộ Lao động - Thương binh và xã hội