Thời tiết TP.HCM và các địa phương trên cả nước đang trải qua mùa nắng nóng gay gắt, khó chịu. Sau đợt giãn cách xã hội vì dịch COVID-19, nhiều gia đình có xu hướng cho con trẻ đi du lịch biển, cũng như cho trẻ thường xuyên tắm hồ bơi. Bên cạnh đó, sắp tới kỳ nghỉ hè, trẻ cũng được cho ở nhà nhiều hơn. Điều này tiềm ẩn các tai nạn đáng tiếc do đuối nước.
Đuối nước khi ở một mình
Ghi nhận tại hai bệnh viện (BV) nhi tuyến cuối của TP.HCM gồm BV Nhi đồng 1 và BV Nhi đồng 2 trong thời gian gần đây liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ gặp tai nạn đuối nước thương tâm.
Cụ thể, vào tối 24-5, Khoa cấp cứu của BV Nhi đồng 1 tiếp nhận bé trai TĐC (sinh năm 2013, quận Bình Tân, TP.HCM) trong tình trạng huyết áp không đo được, mạch nhẹ, khó bắt, đồng tử giãn 4 mm, không phản xạ ánh sáng. Tuy được tích cực hồi sức nhưng bé trai đã không qua khỏi.
Khai thác lịch sử, bé trai tự ý xuống hồ bơi ở chung cư nơi mình sống để bơi và bị ngạt nước lúc nào không hay. Lúc được vớt lên, bé đã tím tái, khi lực lượng cấp cứu 115 tới, ghi nhận bé đã ngưng thở, ngưng tim, tiếp tục hồi sức khoảng 15-20 phút, bé mới có tim lại và chuyển BV Nhi đồng 1.
Không chỉ gặp tai nạn ở hồ bơi, trẻ nhỏ có thể bị chết đuối khi té vào các lu, xô, chậu, hồ nhỏ chứa nước ở nhà. Ba tuần trước, Khoa cấp cứu của BV Nhi đồng 1 cũng ghi nhận bé TTNL (ba tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) bị đuối nước do tự té vào xô nước lớn ở trong nhà. Khi gia đình phát hiện thì bé đã ngưng tim, ngưng thở, thao tác hồi sức tại chỗ không tốt khiến não bé không thể hồi phục. Dù êkíp cấp cứu của BV đã cố gắng hồi sức nhưng bé không qua khỏi.
Tương tự, chỉ riêng trong hai tuần đầu tháng 5-2020, Khoa hô hấp 1, BV Nhi đồng 2 đã tiếp nhận bốn trường hợp đuối nước. Trong đó có một bé (17 tháng tuổi), khi gia đình không để ý, bé ra vườn nhà chơi và rơi xuống hồ bơi. Lúc phát hiện bé đã ngất, tím tái, gia đình sơ cứu và chuyển bé vào BV. Bé được cho thở máy ba ngày tại Khoa hồi sức tích cực và đã qua cơn nguy kịch.
Khi cho trẻ bơi ở hồ bơi, phụ huynh cần chú ý quan sát trẻ cùng với các cứu hộ viên
Lường trước nguy cơ đuối nước để bảo vệ trẻ
BS Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa cấp cứu BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho hay vào kỳ nghỉ hè, các em thường nghỉ ở nhà cùng với gia đình hoặc có gia đình về quê miền sông nước. “Chết đuối thường xảy ra khi trẻ không biết bơi, trượt té xuống các ao, kênh rạch ở vùng quê. Hoặc có nhiều trẻ chủ động đi bơi vùng ao, kênh rạch mà gia đình không quản lý được. Đối với trẻ không biết bơi, chết đuối rất dễ xảy ra nhưng nếu trẻ có biết bơi nhưng bơi ở vùng sông rạch, dòng nước chảy mạnh, không an toàn cũng dễ làm trẻ chết đuối” - BS Phương phân tích.
Còn ở tại TP, chủ yếu các gia đình cho con đi hồ bơi. Hồ bơi mặc dù có cứu hộ viên nhưng không thể nào quan sát tỉ mỉ được hết từng bé. Có nhiều trường hợp trẻ được cho đi bơi, có người nhà bên cạnh nhưng vì lý do như đi vệ sinh hay tìm mua gì đó, quay lại thì con đã bị chìm và chết đuối.
Bên cạnh đó, ở TP lớn, các hồ bơi công cộng ở chung cư rất phổ biến. Những nơi này thường có bảo vệ chung chứ không có cứu hộ viên, cha mẹ nên lưu ý không cho trẻ xuống hồ bơi một mình, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Để xử lý khi tai nạn đuối nước đã xảy ra, các phụ huynh cần bình tĩnh. Khi phát hiện trẻ đuối nước, cần tìm mọi cách đem trẻ lên khỏi mặt nước. Song song đó, xác định trẻ có tím tái, còn thở hay không. Nếu trẻ còn hồng hào, thở được thì để chỗ thoáng, sau đó đưa đến cơ quan y tế gần nhất xem xét. Đối với trẻ vớt lên tím tái, không còn thở, phải hồi sức tim phổi bằng cách nhồi tim, hà hơi thổi ngạt đúng cách và gọi người hỗ trợ ngay.
Trên đường di chuyển, phải hồi sức liên tục cho trẻ để cung cấp máu lên não và tim, hạn chế di chứng tối đa cho trẻ.
Bên cạnh các biện pháp bảo vệ trẻ, gia đình, nhà trường cần kết hợp dạy trẻ về các nguy hiểm khi tiếp xúc với vùng sông, suối, ao, hồ... và dạy trẻ biết bơi vào thời điểm thích hợp.
Theo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh