chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam
Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Namchương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam

Tỉ lệ trẻ em đuối nước ở Việt Nam vẫn gấp 3 lần nước thu nhập cao

01/12/2021 12:01:38

Đó là con số được nêu ra tại hội thảo thực hiện quyết định số 1248 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 diễn ra ngày 30-11 tại Hà Nội.

Hội thảo có sự tham gia của Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH), Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO), Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu tại Việt Nam (GHAI) và các bộ ngành, đoàn thể liên quan. 

Giải pháp ra sao?

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho hay công tác phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 đạt nhiều hiệu quả tích cực khi cả nước có 6 triệu ngôi nhà an toàn, 26.000 trường học an toàn và 6.000 xã phường an toàn. 

Tuy vậy, bà Hà cho rằng tỉ lệ đuối nước ở trẻ em Việt Nam vẫn gấp 3 lần so với nước thu nhập cao, ảnh hưởng đến sự phát triển, quyền sống trẻ em và mục tiêu phát triển mà nước ta đã cam kết với thế giới.  

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các sở LĐ-TB&XH, Trung ương Đoàn… tiếp tục truyền thông về chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; cơ quan chuyên môn đưa ra giải pháp cụ thể cho từng khu vực (miền núi, biển đảo); kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm chương trình hằng năm... 

Theo PGS.TS Phạm Việt Cường (Trường đại học Y tế công cộng), chương trình phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm tỉ suất tử vong ở trẻ em, tỉ lệ mắc tai nạn thương tích… Tuy vậy trong giai đoạn tới, việc giảm tỉ lệ trẻ em tử vong do tai nạn thương tích Việt Nam sẽ khó khăn hơn khi tỉ lệ ở nước ta tương tự như thế giới.

PGS.TS Phạm Việt Cường lý giải nhiều nguyên nhân như nguồn lực giảm, học online kéo dài dẫn đến ngộ độc, động vật cắn, bỏng… ở trẻ xảy ra thường xuyên hơn. 

Trong khi đó, TS Annie Chu - đại diện WHO tại Việt Nam - cho hay tai nạn thương tích cướp đi sinh mạng của trên 465.000 trẻ em thế giới dưới 15 tuổi mỗi năm, hàng triệu trẻ bị thương phải điều trị ở bệnh viện, nhiều em bị di chứng tàn tật suốt đời. Trong đó, đuối nước là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em 5-14 tuổi.

TS Annie Chu khuyến nghị Việt Nam chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho trẻ em vì đây chính là đầu tư hướng tới đất nước khỏe mạnh và phát triển bền vững hơn.

Những cam kết "nóng"

Tại hội thảo, bà Kelly Larson, giám đốc chương trình Quỹ từ thiện Bloomberg, cho biết quỹ cam kết tiếp tục mở rộng chương trình dạy bơi ra 22 tỉnh thành Việt Nam (47% tổng số trẻ bị đuối nước trên cả nước) ngay trong năm 2022. Mục tiêu là dạy bơi cho 50.000 trẻ. 

Đánh giá cam kết của Chính phủ Việt Nam trong nhân rộng mô hình chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em, bà Kelly Larson kỳ vọng Việt Nam sẽ là một minh chứng điển hình dẫn đầu các nước trên thế giới về mô hình giảm thiểu tử vong do đuối nước.

Trong khi đó, bà Đoàn Thị Thu Huyền, giám đốc quốc gia GHAI, chia sẻ tỉ lệ tử vong do đuối nước rất cao so với các nguy cơ gây tai nạn thương tích. Hơn 90% số người chết ở nước thu nhập thấp, trung bình, đặc biệt là người trẻ dưới 25 tuổi. Nhiều trường hợp sống sót sau đuối nước phải chịu cảnh sống thực vật do tổn thương não. 

Nguyên nhân được bà Huyền chỉ ra là trẻ không biết bơi, tính tò mò khám phá, bạn bè rủ rê, cha mẹ đi làm xa, môi trường sống thiếu an toàn, công trình xây dựng không có cảnh báo… 

Tại hội thảo, bà Huyền và các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thực tế rằng bơi lội phải là một môn học bắt buộc; xây dựng đội ngũ tình nguyện viên với nòng cốt là giáo viên thể dục, đoàn viên thanh niên; tăng cường truyền thông trên mạng xã hội, bài giảng qua YouTube về tai nạn đuối nước và cách phòng tránh… 

Bên cạnh đó, chính quyền và tư nhân cùng xây dựng bể bơi cho trẻ em theo tỉ lệ 50 - 50, có thêm bộ truyền thông mẫu cho cấp cơ sở cụ thể từng vùng miền...

Theo TS.BS Vũ Thị Kim Hoa, cục phó Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 có 9 nhóm giải pháp như hướng dẫn, tư vấn giáo dục cho trẻ em các kỹ năng, kiến thức gắn với thí điểm mô hình thực hành, nhất là trẻ 6-16 tuổi; can thiệp phòng ngừa, giảm tỉ lệ mắc và tử vong do tai nạn giao thông, ngã, cháy, bỏng, động vật cắn, tự tử...

 

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa:
Back-top