Thiếu thốn tứ bé
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Lắk xảy ra nhiều vụ đuối nước làm 37 trẻ em tử vong. Đắk Lắk dự đoán, những con số đáng báo động này sẽ tiếp tục nối dài khi mùa hè vẫn còn dài…
Không riêng trường hợp tỉnh Đắk Lắk ở khu vực Tây Nguyên, nước ta với đặc thù sông hồ, kênh rạch chằng chịt, dịp hè đến là thời gian phụ huynh chạy đôn đáo tìm nơi khu vui chơi lành mạnh để tránh rủi ro cho trẻ em.
Tình trạng trẻ em tự phát đi tắm ở các sông, suối đã gây nên nhiều vụ đuối nước thương tâm. Ảnh minh họa
Chị Nguyễn Thị Huệ (huyện Ea H’leo, Đắk Lắk) chia sẻ, vợ chồng anh chị hàng ngày phải lên rẫy cà phê, hồ tiêu để trông coi, chăm sóc. Riêng 2 con đang học trung học khi được nghỉ hè, anh chị để cho ông bà trông coi.
Dù vậy, chị Huệ chưa an tâm bởi hàng loạt nguy hiểm rình rập đối với các con như tệ nạn rượu bia, đuối nước.
“Vừa qua, ở Đắk Lắk, Đắk Nông xảy ra nhiều vụ trẻ em đuối nước khiến chúng tôi lo cho sự an toàn của con ở nhà. Như ở huyện tôi, trẻ em trong các trường học không được dạy bơi trong nhà trường. Các lớp dạy kỹ năng sống cũng chưa được địa phương chú trọng đầu tư cho các con” - chị Huệ tâm sự.
“Trẻ em là tương lai của đất nước”, “điều tốt đẹp phải dành cho trẻ em”…, là những khẩu hiệu được nhiều địa phương trên cả nước tuyên truyền trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngay cả nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII cũng đã thông qua Luật trẻ em quy định rõ trẻ em có “quyền được vui chơi, giải trí, học hành”.
Luật đã có nhưng thực tiễn, trừ một số thành phố lớn, các địa phương khu vực ở Tây Nguyên, miền Trung, Tây Nam Bộ… vẫn chưa chú trọng xây dựng khu vui chơi, sân chơi lành mạnh cho trẻ em. Hậu quả là các vụ bạo lực học đường, vụ án giết người hay đuối nước có liên quan đến học sinh liên tiếp xảy ra với chiều hướng tăng cả tính chất và số vụ.
Thực tiễn không như lời nói
Trong các kỳ họp của Chính phủ, nhiều bộ ngành từng đề cập đến chủ trương phổ cập bơi lội trong các trường học. Tuy nhiên, chủ trương này trong thực tế khó đạt được bởi đặc thù riêng của từng vùng miền.
Ông Nguyễn Duy Tuyết - Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐTBXH Đắk Lắk) - thừa nhận, tỉnh Đắk Lắk là khu vực trung tâm Tây Nguyên nhưng chỉ mới có TP. Buôn Ma Thuột là cơ bản xây dựng các lớp dạy bơi cho học sinh. Riêng các huyện, vì thiếu ngân sách nên tỉnh sẽ xã hội hóa việc dạy bơi cho học sinh.
“Tỉnh có nhiều văn bản, cùng các biện pháp phòng tránh đuối nước như tuyên truyền, tổ chức mở lớp dạy bơi... cho trẻ em tại nhiều nơi nhưng tình trạng đuối nước năm nào vẫn xảy ra. Đây là bài toán khó cần thời gian để giải quyết” – ông Tuyết nói.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – đề xuất, để việc phổ cập bơi trong nhà trường được thực hiện hiệu quả, nhiều địa phương cần có giải pháp như liên kết với các trung tâm thể thao hoặc xã hội hóa việc dạy bơi…
Từ câu chuyện liên tục xảy ra các vụ đuối nước, ông Tiến cho rằng, trẻ em Việt Nam hiện đang thiếu nhiều kỹ năng như: Kỹ năng tự bảo vệ trước bạo hành, xâm hại tình dục, bơi lội, xử lý tình huống…
“Thiếu sân chơi lành mạnh, các em buộc phải tìm đến các trò chơi điện tử bạo lực, lưu truyền văn hóa phẩm đồi trụy… Tại sao chúng ta sẵn sàng dành nhiều lô đất vàng để xây dựng các dự án tỉ đô, khu đô thị trong khi các thiết chế văn hóa dành cho trẻ em lại bỏ quên “ - ông Tiến đặt câu hỏi.