Các học viên được giới thiệu về mô hình trường học an toàn, cộng đồng an toàn. Đặc biệt, khóa tập huấn dành nhiều thời gian để giới thiệu 9 nội dung phòng tránh tai nạn thương tích trong trường học của Bộ GD&ĐT gồm đuối nước, thương tích do vật sắc nhọn, động vật cắn, thương tích do ngã, tai nạn điện, bỏng, ngộ độc, dị vật đường thở, tai nạn giao thông cũng như nguyên nhân, hậu quả, cách phòng tránh và thực hành sơ cứu.
Ngoài ra, học viên cũng được trang bị phương pháp tuyên truyền, hướng dẫn trẻ em, học sinh kỹ năng phòng tránh đuối nước khi tham gia vào các hoạt động trong đời sống hàng ngày. Phương pháp tổ chức, hướng dẫn trẻ em kỹ năng an toàn trong môi trường nước và xử lý khi gặp người bị đuối nước và các trường hợp đuối nước tập thể.
Phát biểu khai mạc, lãnh đạo Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết: “Thực tế hiện nay, phần nhiều các vụ đuối nước gây tử vong lại xảy ra đối với các trẻ em, học sinh biết bơi, thậm chí bơi giỏi. Điều đó cho thấy, nếu chỉ dừng lại ở việc học bơi, biết bơi, thì hoàn toàn chưa đảm bảo an toàn, tránh được tử vong do đuối nước, khi mà trong đời sống hàng ngày, ngoài thời gian ở trường, các em còn tham gia nhiều hoạt động lao động, sinh hoạt trong môi trường sống thiếu an toàn như hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể xảy ra tai nạn đối với các em ở mọi lúc, mọi nơi”.
Trong điều kiện phần nhiều các trường chưa được trang bị bể bơi, việc dạy bơi gặp rất nhiều khó khăn thì việc tăng cường giáo dục nhận thức cho HS về tác hại, hậu quả, nguyên nhân, nguy cơ đuối nước xảy ra đối với các em là rất quan trọng. HS từ đó được trang bị những kỹ năng an toàn, biết tự phòng tránh để những HS biết bơi và chưa biết bơi đều biết cách chủ động, tự bảo vệ được tính mạng bản thân trước khi có sự hỗ trợ của người khác.
Khóa tập huấn kéo dài trong 2 ngày 26 và 27/9 do Bộ GD&ĐT phối hợp với Cục trẻ em, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cùng với sự hỗ trợ từ Quỹ từ thiện BlooBerg và Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) tổ chức.
Theo báo Giáo dục và thời đại