Tỷ lệ đuối nước trẻ em Việt Nam cao gấp 10 lần các nước phát triển. Để giảm thiểu tình trạng này, biện pháp quan trọng nhất là phổ cập bơi và trang bị cho trẻ em kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Hơn 2.000 trẻ em đuối nước mỗi năm
Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước, cao gấp 8 lần những quốc gia có thu nhập cao. Đuối nước không chỉ ảnh hưởng đến quyền sống của trẻ mà còn để lại những nỗi đau không nguôi trong nhiều gia đình. Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ em bị tai nạn đuối nước.
Học sinh trường Tiểu học Tây Sơn, quận Hai Bà Trưng thi trả lời câu hỏi về phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Ảnh: Thủy Trúc
Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà, vẫn còn nhiều trẻ em nhỏ bị đuối nước do thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Nhiều trẻ em chưa biết bơi, chưa có kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Một thách thức không nhỏ là nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế trong khi môi trường xã hội lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Đặc biệt, nhiều địa phương còn thiếu hướng dẫn viên dạy bơi và thiếu bể bơi.
Để giảm thiểu tai nạn đuối nước trẻ em, Phó Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam Jun Nakagawa đưa ra ba giải pháp mà Việt Nam dễ dàng thực hiện. Thứ nhất, dạy cho trẻ trong độ tuổi tiểu học và THCS kỹ năng biết bơi và an toàn trong môi trường nước. Thứ hai, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em. Các sông, hồ, ao phải có biển báo nguy hiểm; giếng nước, bể nước luôn có nắp đậy. Những trẻ em dưới 5 tuổi luôn được phụ huynh giám sát, không để tự chơi một mình gần sông, hồ, suối.
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Văn Hoạt cho biết, quận sẽ tăng cường quản lý Nhà nước trong việc triển khai phòng chống tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước cho trẻ em. Hỗ trợ dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại cộng đồng, trường học. Ưu tiên trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được học bơi miễn phí. Cùng với việc thí điểm chương trình bơi an toàn cho trẻ tại địa phương, quận sẽ nghiên cứu, lắp đặt bể bơi thông minh tại các nhà trường đáp ứng điều kiện về diện tích.
Thực hiện Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 do Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt, đăt ra mục tiêu 40% học sinh tiểu học và THCS phải biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, giảm tỷ lệ tử vong do đuối nước, Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành triển khai các hoạt động có hiệu quả. Bà Vũ Thị Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTB&XH thông tin: Thời gian tới, Bộ LĐTB&XH, Bộ VHTT&DL, Bộ GD&ĐT, T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện tài liệu hướng dẫn an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; đội ngũ giáo viên nòng cốt, cán bộ phụ trách trong trường học, cộng tác viên… được tập huấn về nội dung này. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ sẽ chỉ đạo các địa phương, bao gồm cả trường học và cộng đồng tập trung hướng dẫn những kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.
Trang bị kỹ năng cho trẻ
Để trẻ em có một mùa hè 2018 vui tươi, bổ ích nhưng thực sự an toàn, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp với T.Ư Đoàn triển khai mô hình bàn giao và quản lý trẻ. Theo đó, bên T.Ư Đoàn huy động đoàn viên thanh niên, sinh viên tình nguyện và các tổ chức xã hội tham gia phụ trách thiếu nhi, tổ chức sinh hoạt hè, ôn tập văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, vui chơi giải trí đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các em. Cùng với việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích cho đội ngũ cán bộ Đoàn, Đội, T.Ư Đoàn sẽ đưa nội dung phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em vào chương trình tập huấn của liên đội, hoạt động của thiếu nhi trên địa bàn dân cư. Tổ chức Đoàn Thanh niên sẽ phối hợp với các cấp, ngành vận động tặng bể bơi di động, tủ sách hướng dẫn kỹ năng dạy bơi, mở các lớp học bơi miễn phí hoặc giảm phí cho thiếu nhi trên địa bàn.
Thực hiện “Mùa hè an toàn cho trẻ em”, UBND TP Hà Nội đặt ra mục tiêu tổ chức tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền, đoàn thể cơ sở trong việc quản lý, giám sát, hướng dẫn trẻ em vui chơi, giải trí, nghỉ hè an toàn, lành mạnh, bổ ích. Cùng với đó, thực hiện tốt việc phòng chống tai nạn thương tích trẻ em đặc biệt là tai nạn đuối nước trong dịp hè.
Theo Thủy Trúc - Báo Kinh tế Đô thị