Mỗi dịp hè về thì tình trạng đuối nước ở trẻ em luôn là nỗi lo đối với các bậc phụ huynh. Nhất ở vùng nông thôn trẻ em thiếu sân chơi, cũng như sự giám sát của nhà trường, cho nên vào những ngày hè nóng nắng thường rủ nhau đi chơi hoặc tắm sông, suối, ao, hồ nên rất dễ dẫn đến nguy cơ đuối nước.
Đã hơn một tháng trôi qua, nhưng không khí tang thương, đau buồn vẫn còn bao trùm trong gia đình chị Hà Thị Tân, thôn Quảng Trung, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương vì sự ra đi đột ngột của cháu Đỗ Thị Phương Linh. Chiều 14/5/2018, sau khi được tan học, cháu Đỗ Thị Phương Linh, học sinh lớp 8A, trường THCS Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương cùng các bạn trong lớp đã ra cống 5 cửa kênh thủy lợi 6A, thuộc địa bàn xã Đồng Tĩnh để chơi. Do đứng sát bờ kênh để chụp ảnh, Linh và bạn Đỗ Thị Quyên đã bị trượt chân rơi xuống nước, vì không biết bơi nên hai em đã bị đuối nước và tử vong. Nỗi đau mất con luôn ám ảnh và là mối day dứt lớn nhất trong cuộc đời của chị.
"Trước đây cháu cũng xin mẹ mua áo phao cho đi tập bơi cùng các bạn nhưng chị không cho đi, giờ xảy ra việc này chị mới thấy ân hận, lẽ ra mình nên cho con đi tập bơi thì không có sự việc đau lòng này", Chị Hà Thị Tân, thôn Quảng Trung, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương chia sẻ.
Những ngày hè nóng nực, không khó để bắt gặp hình ảnh các em nhỏ chơi đùa và rủ nhau đi tắm sông, suối, ao hồ. Tuy nhiên thực trạng đáng lo ngại là nhiều nhóm trẻ ở các địa phương khi đi tắm sông nhưng không hề có người lớn đi cùng để giám sát. Các em vô tư ngụp lặn trong khi không có áo phao cũng như bất cứ vật dụng gì hỗ trợ. Cùng với đó, nhiều ao hồ, sông suối nơi thường xuyên xảy ra những vụ việc đuối nước thương tâm lại không có biển cảnh báo nguy hiểm hay có thì các em cũng không để ý đến.
Bà Đỗ Thị Mười, thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương cho biết: "Nhà tôi ở ngay khu vực này, cứ những hôm nào nắng nóng thì bố mẹ đưa các cháu bé ra đây để tập bơi, còn những cháu lớn thì bơi tự do, không có sự giám sát của cha mẹ cho nên cũng xảy ra một số vụ đuối nước".
Ảnh minh họa
Để giảm tải tình trạng đuối nước, chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và có nhiều việc làm thiết thực để nâng cao nhận thức của toàn xã hội trong việc phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em, nhất là nguy cơ đuối nước.
Trao đổi với PV Ông Nguyễn Anh Hùng, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Tam Dương cho biết "Hàng năm, UBND huyện cũng ra nhiều văn bản chỉ đạo về phòng chống đuối nước, đồng thời giao cho Hội Cựu chiến binh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cắm những biển cảnh báo ở những khu vực sông, hồ. Năm nào cũng tổ chức lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em".
Vấn đề đuối nước ở trẻ em luôn được nhắc đến thường xuyên như một hồi chuông cảnh báo đối với các bậc phụ huynh nhưng những vụ đuối nước thương tâm vẫn không hề giảm, nhất là vào kỳ nghỉ hè của học sinh. Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh xảy ra 12 vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, trong đó 6 vụ đuối nước làm 7 trẻ em bị tử vong./.
Theo Thu Hoài - Truyền hình Vĩnh Phúc