Chuyện về một “ông giáo làng” tự bỏ tiền túi xây bể bơi hiện đại, “dụ” trẻ em đến tắm, rồi dạy cho các cháu biết bơi không còn xa lạ với người dân thôn Tân Mỹ, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) nhiều năm qua.
Sở dĩ việc làm của ông giáo Nguyễn Văn Kỷ (sinh năm 1947) không trở thành phong trào gì lớn, hay được vinh danh tấm gương sáng cao quý gì lớn bởi ông không thích phô trương, mà làm việc nghĩa âm thầm với sở thích, lương tâm cũng như lòng yêu mến trẻ của mình.
Ông Kỷ vốn là thầy giáo dạy môn Địa Lý ở trường Trung học phổ thông Nguyễn Huệ, thành phố Tam Điệp (Ninh Bình). Sau 21 năm công tác, đến năm 2007 ông về hưu sau đó trở về nơi “chôn rau cắt rốn” là xã Ninh Mỹ sinh sống. Mọi người thường gọi ông với cái tên trìu mến là "ông giáo làng".
Ông bảo: “Tôi xa quê từ lúc học hết cấp 1, gần cả cuộc đời bôn ba khắp mọi nơi, vì thế lúc về hưu muốn được ở gần bà con xóm làng, nên về quê xây căn nhà nhỏ để vợ chồng vui vầy lúc tuổi già”.
Năm 2011, ông Kỷ xây dựng căn nhà để hai vợ chồng có chỗ sinh hoạt, cũng là nơi để thờ tự tổ tiên, con cái đi xa có chỗ về xum vầy. Trong bản thiết kế ngôi nhà mình, dù đất chật hẹp vừa xây nhà ở, vừa xây nhà thờ họ, ông vẫn lên phương án xây dựng một bể bơi để thỏa mãn niềm vui được tắm, được bơi lội ngay trong không gian của gia đình.
Nói là làm, ông đã dành phần đất rộng chừng 40 mét vuông sau đó yêu cầu thợ xây dựng một bể bơi khang trang, đầy đủ trang thiết bị không kém gì một bể bơi dịch vụ hiện đại. Chiếc bể ông làm cũng được gia cố nền, đổ bê tông kiên cố, lát gạch men sáng bóng. Bể rộng 5 mét, dài 8 mét, chỗ sâu nhất là 1,5 mét, chỗ cạn chỉ khoảng hơn 1 mét. Tổng chi phí xây dựng lúc đó chừng 15 triệu đồng.
Những ngày đầu, ông giáo bơm đầy nước, tự mày mò nghiên cứu các cách xử lý nước rồi hàng ngày ngâm mình dưới chiếc bể rộng lớn để vùng vẫy, thỏa thích bơi lặn. Mỗi ngày ông xuống bể tắm hai lần để nâng cao sức khỏe. Cũng vì thế, đến nay đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng sức khỏe ông vẫn rất dẻo dai, tinh thần minh mẫn và sảng khoái là nhờ bơi lội mỗi ngày.
Ban đầu, ông Kỷ chỉ nghĩ chiếc bể làm ra để phục vụ gia đình. Thế nhưng, mỗi ngày theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng biết đến tình trạng trẻ em đuối nước nhiều khiến ông rất băn khoăn và lo lắng đối với những đứa trẻ quê mình.
Vào mùa hè, trẻ em ở nông thôn giờ không như trước có thể xuống sông, ao hồ để tắm, tập bơi bởi hiện nay diện tích ao hồ đã bị thu hẹp, mặt khác nước cũng rất ô nhiễm khiến cho nhiều trẻ em không thể thỏa thích “vùng vẫy” như xưa.
Nhiều trẻ em không biết bơi, vì thế chỉ không may sơ xuất là dẫn đến đuối nước. Thực tế cho thấy cứ mùa hè đến ở nhiều địa phương đã xảy ra rất nhiều vụ đuối nước thương tâm. Bao đêm trăn trở, nghĩ rồi ông Kỷ bàn với vợ là bà Đinh Thị Thanh (sinh năm 1950). Thấu hiểu được ý của chồng, bà đã đồng ý cho ông được thỏa mãn ước nguyện của mình.
Thế rồi, ông Kỷ đã đến các gia đình trong xóm “dụ” trẻ em đến bể bơi của gia đình ông tắm. Sau đó, ông dạy bơi để không còn bị lo đuối nước. Ban đầu nhiều gia đình cũng như các cháu nhỏ còn ngại ngùng, nhưng sau được sự giúp đỡ tận tình của ông giáo mà mọi người hồ hởi tham gia. Cứ mùa hè đến, mỗi ngày các phụ huynh đưa con em đến bể nước nhà ông Kỷ xin tắm nhờ sau đó nhờ ông tập bơi càng đông hơn.
Từ việc chỉ tắm có một mình, bơi một mình ông Kỷ trở nên bận rộn và cảm thấy vui vẻ hơn khi có thêm nhiều cháu nhỏ đến tắm cùng. Mỗi ngày có khoảng chục em nhỏ đến tắm rồi được ông dạy bơi, chỉ bảo tận tình từng động tác như trước khi tắm phải khởi động kỹ càng, học thở, học nổi mình, học các động tác đẩy nước… Nhiều em, chỉ qua ít ngày được ông dạy đã bơi thành thạo trong bể mà không cần đến các phao bơi hỗ trợ.
Đến nay, sau nhiều năm “dụ” trẻ đến tắm bể bơi và dạy bơi miễn phí, ông Kỷ cũng không nhớ nổi đã dạy bao nhiêu em nhỏ biết bơi. Ông chỉ thấy hạnh phúc nhất là yên tâm hơn khi các “học trò nhỏ” biết bơi thành thạo và không còn lo bị đuối nước để không phải xảy ra những chuyện đáng buồn và rất thương tâm mỗi khi mùa hè đến.
“Bơi lội cho mình sức khỏe dẻo dai khi được vận động toàn cơ thể. Vì thế mà hơn 70 tuổi tôi mới còn khỏe được như thế này. Nếu không bơi hàng ngày chắc gì tôi được như ngày hôm nay. Được dạy bơi cho các cháu là niềm vui cho tôi mỗi ngày, và càng hạnh phúc hơn khi các cháu biết bơi để không còn lo bị đuối nước” – ông Kỷ chia sẻ.
Ông giáo làng cũng tâm sự thêm, thực chất việc xây bể bơi cũng không hề tốn kém là bao nhiêu. Nhiều gia đình ở quê có quỹ đất nếu có điều kiện cũng nên xây một bể bơi để nâng cao sức khỏe, nhất là dạy để con cháu biết bơi, đây là bản năng cần thiết và rất thiết yếu cho cuộc sống.
Chia sẻ với Dân trí, ông Phạm Ngọc Hinh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Mỹ cho hay, nhờ bể bơi của gia đình ông Kỷ mà nhiều trẻ em trong xã biết bơi thành thạo, tránh được nhiều rủi ro từ đuối nước.
“Bể bơi của gia đình ông Kỷ đã làm tăng thêm phong trào thể dục thể thao của địa phương. Ngoài ra, việc cho các cháu nhỏ tắm miễn phí và dạy bơi miễn phí của ông Kỷ là việc làm hết sức ý nghĩa.
Chính quyền xã luôn mong muốn ông Kỷ có sức khỏe để cống hiến hơn nữa, giúp cho nhiều trẻ em hơn nữa. Và mong sao, có nhiều gia đình trong xã, hay các địa phương khác có cách làm ý nghĩa như gia đình ông Kỷ để giúp được nhiều cháu nhỏ hơn” – ông Hinh nói.
Theo Thái Bá (Báo Dân trí)