chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam
Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Namchương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam

Những vụ đuối nước thương tâm: Nỗi đau cho người ở lại

11/07/2018 20:27:12

Thời gian qua, nhiều vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk khiến những người ở lại mãi đau đáu, day dứt không thôi. Để hạn chế tình trạng đuối nước xảy ra, đặc biệt ở trẻ em các cấp chính quyền đã có những giải pháp phòng ngừa.

Nỗi đau cho người ở lại

Gia đình xót xa khi nhờ lại thời điểm con bị đuối nước thương tâm

Trong thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Đặc biệt nạn nhân trong các vụ đuối nước đa số là các em học sinh, các em nhỏ rủ nhau đi chơi suối, tắm sông hồ…

Các em ra đi đã để lại cho gia đình, nhà trường những nỗi đau, sự day dứt kéo dài suốt nhiều năm. Không những thế, nỗi đau này còn ám ảnh những người thân có lẽ đến suốt cả cuộc đời.

Với gương mặt khắc khổ, chi chít nếp nhăn vì thương nhớ người con đã ra đi vì đuối nước, chị Trần Thị Thanh (43 tuổi, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) vẫn nhớ như in chiều định mệnh 28/1/2016, khi chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên Đán nhưng chị đã mất con mãi mãi.

Chị ném ánh mắt về phía xa, chực trào nước mắt kể, chiều hôm đó con gái chị được nghỉ học nên cùng một số bạn đến nhà em N.T.T để chơi. Tuy nhiên trong lúc cả nhóm chơi và ăn uống sau nhà thì bất ngờ 5 em bị rơi xuống hồ nước nhỏ.

Các em nhỏ vùng vẩy dưới nước và kêu cứu thất thanh, khi đó, chị gái của em T. ra phát hiện được nhưng chỉ cứu được 2 em, còn 3 em cứ thế lịm dần rồi tử vong.

Người mẹ vẫn cứ day dứt, tự trách bản thân khi không quan tâm con được nhiều hơn, không dạy con cần bảo vệ mình trong mọi trường hợp nên giờ vợ chồng chị đã mất con. Nỗi đau ấy khiến anh chị đau đáu, ưu phiền suốt 2 năm qua mà không thể nào nguôi ngoai được.

Anh Y Rem Bdapcha xót xa và tự trách bản thân không cẩn thận rào chắn hồ nước và trông coi con

Đau cùng nỗi đau của các bậc phụ huynh mất con vì đuối nước, anh Y Rem Bdapcha (SN 1983, xã Yang Réh, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) cũng mất đi con trai cách đây 1 năm.

Anh Y Rem Bdapcha nhớ lại, khi đó là một ngày trời mưa to của năm 2017, anh tất bật thu dọn nông sản để tránh cơn mưa lớn. Sau khi thu dọn xong, với mồ hôi nhễ nhại trên người anh đi ra sau nhà thì chết đứng khi phát hiện người con trai út Y’Tai H Long 17 tháng tuổi đã tử vong dưới hồ nước nhỏ.

Vội vã xuống hồ nước đưa con lên thì anh như chết lặng vì cơ thể con đã lạnh ngắt, không còn hơi thở nữa. Ôm con chặt vào lòng, anh chỉ biết tự trách bản thân mình không để ý đến con hơn. Anh trách mình nếu chú ý rào chắn lại hồ nước cẩn thận thì con anh đã không chết thương tâm như vậy.

Các giải pháp hạn chế đuối nước

Nhiều hồ đập, hố cà phê của người dân trở thành bẫy cho các em nhỏ

Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, trong 2 năm (2016 – 2017), toàn tỉnh có 2.046 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 112 em tử vong.

Trong đó, có 97 trường hợp các em nhỏ tử vong do đuối nước, chiếm gần 86% trẻ em tử vong do tai nạn thương tích. Đặc biệt các vụ đuối nước thường xảy ra đối với các em nhỏ từ 10-14 tuổi. Nhiều vụ việc thương tâm, các em nhỏ rủ nhau đi chơi theo nhóm nên dẫn đến 2-3 em tử vong một lần.

Theo thống kê, nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước đa phần là do các em đi tắm ao, hồ, kênh, mương. Một số trường hợp do các em bị trượt chân ngã xuống nước nhưng do không biết bơi, hoặc gọi người cứu nhưng không được nên đã tử vong.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Tuyết, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều sông, suối, ao, hồ… Đa số những nơi này phục vụ người dân sản xuất nông nghiệp.

Nhiều nơi thuộc vùng sâu vùng xa, gia đình ít quan tâm tới con em mình, không dạy bơi cho các em nên dẫn đến các vụ đuối nước.

Để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, hè năm 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã có hoạt động trọng tâm là dạy bơi miễn phí cho trẻ em nhằm giúp các em có một mùa hè vui tươi, an toàn, bổ ích và nói không với tai nạn đuối nước.

Theo đó, từ ngày 15/6 đến ngày 5/8, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức chương trình dạy bơi miễn phí cho 1.000 học sinh là con em gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã xây hồ bơi, tổ chức dạy bơi cho các em để giảm thiểu tai nạn đuối nước một cách đáng kể nhất.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành công văn tăng cường phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho trẻ em trong dịp hè và mùa mưa lũ sắp đến.

Qua đó, tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát, cắm biển cảnh báo, biển cấm, hàng rào bảo vệ tại các công trình thủy lợi, công trình dân dụng, kể cả bãi tắm tự phát để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tăng cường vận động người dân rào chắn xung quanh khu vực giếng, ao, hồ gần nhà.

Nguồn: Internet

 

Từ khóa:
Back-top