Từ những vật dụng tưởng chừng bỏ đi như lốp xe máy cũ, ống nhựa đã qua sử dụng…, các bạn trẻ ở xã Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã tận dụng và tạo ra những chiếc phao cứu hộ, ngăn ngừa tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Xã Quỳnh Hậu là địa phương đầu tiên được Huyện đoàn Quỳnh Lưu lựa chọn triển khai mô hình "Lốp xe cứu hộ". Theo đó, các đoàn viên, thanh niên đã sử dụng lốp xe đạp, xe máy, xăm xe đạp, xe máy đã qua sử dụng, kết lại với nhau, buộc vào các cột mốc dọc bờ sông suối, ao hồ, giúp các em học sinh và người dân có điểm níu để lên bờ, khắc phục tình trạng địa hình dốc, trơn trượt, khoảng cách bậc lên xuống xa nhau. Ngoài ra, các bạn trẻ còn tận dụng chai nhựa quấn quanh lốp xe làm phao di động, buộc vào thành cầu, dùng trong các trường hợp khẩn cấp.
Hiện nay, Đoàn thanh niên xã Quỳnh Hậu đã hoàn thành việc căng 10 dây lốp xe ngang qua 3 điểm sông, suối dẫn nước có nhiều người bơi lội trên địa bàn xã. Việc làm này đã giúp người dân địa phương, đặc biệt là các em nhỏ, cảm thấy an tâm tâm khi đi tắm tại ao hồ. Em Lê Văn Đức (trú tại xóm 7 Thượng Hùng, xã Quỳnh Hậu) cho biết: "Từ ngày được các anh chị đoàn viên, thanh niên xã cắm những chiếc lốp xe cứu hộ dọc bờ ao hồ, em cảm thấy an toàn hơn khi đi tắm ở đó".
Anh Đặng Ngọc Minh, Bí thư Huyện đoàn Quỳnh Lưu, cho biết: "Đây là một trong những mô hình hay giúp giảm thiểu tai nạn đuối nước. Chúng tôi sử dụng tối đa những vật liệu tái chế, vừa tiết kiệm chi phí vừa góp phần bảo vệ môi trường. Cùng với mô hình này, Huyện đoàn cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn đuối nước hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước để có biện pháp phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, cũng như mùa mưa bão sắp đến".
Không chỉ ở huyện Quỳnh Lưu mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An, việc tạo phao cứu hộ từ những lốp xe cũ cũng được triển khai rộng rãi. Tại huyện Nghĩa Đàn, mô hình phao cứu hộ đã được triển khai trên địa bàn 23 xã, thị trấn có các sông ngòi, ao hồ, đập đi qua.
"Tại một số điểm sông ngòi, ao hồ, đoàn viên, thanh niên xã đã lắp đặt một số dây ngang kênh, mục đích giúp các em nhỏ và người dân tắm có thể dựa vào dây để lên được. Đồng thời, dùng một số dụng cụ tái chế như lốp xe đạp, xe máy, thay các bậc lên xuống, giúp các em làm quen với nước và đảm bảo an toàn cho các em khi tắm ở sông suối, ao hồ", anh Hồ Đức Đại, Bí thư Đoàn xã Nghĩa Đức (huyện Nghĩa Đàn) cho biết thêm.
Trên những con đường thôn, xóm của các xã Xuân Tường, Thanh Dương, Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương), Đặng Sơn, Hiến Sơn, Thịnh Sơn (huyện Đô Lương), người dân không còn xa lạ với những tấm biển cảnh báo an toàn giao thông được đoàn viên, thanh niên sáng chế từ các lốp xe máy.
Trong đó, mặt biển cảnh báo được làm bằng các tấm tôn tròn, sơn nền xanh, viết chữ màu đỏ với nội dung như: Đi chậm, quan sát, giảm tốc độ, nơi hay xảy ra tai nạn, chú ý nguy hiểm... Mặt biển cảnh báo được bắn đinh vít cố định vào lốp xe. Chị Nguyễn Thị Phương, Bí thư Đoàn xã Xuân Tường, cho biết, ưu điểm của mô hình biển quan sát, cảnh báo giao thông bằng lốp xe là độ bền cao, tiết kiệm chi phí.
Theo anh Nguyễn Tất Hùng, cán bộ Huyện đoàn Đô Lương: Thời gian qua, nhiều Đoàn xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tạo ra bồn rửa tay công cộng, khu vui chơi dành cho thanh thiếu nhi, lốp xe cứu hộ và nay là biển cảnh báo an toàn giao thông. "Từ việc triển khai thí điểm ở 3 xã với 21 biển báo, hiện nay mô hình "lốp xe quan sát’’ đang được triển khai tại nhiều cơ sở Đoàn trên địa bàn với mong muốn góp phần vào việc tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng khi tham gia giao thông, hạn chế các vụ tai nạn giao thông thương tâm", anh Nguyễn Tất Hùng cho hay.
Nguồn: Báo Phụ nữ Việt Nam