Tỉnh Ninh Thuận có chiều dài bờ biển 105km và 02 hệ thống sông chảy qua tỉnh với chiều dài 430km nên tình trạng đuối nước ở trẻ em luôn là một vấn đề nhức nhối, đang từng ngày, từng giờ rình rập cướp đi sinh mạng của những đứa trẻ, trung bình hàng năm trên địa bàn tỉnh xảy ra từ 4-5 vụ đuối nước trẻ em. Nguyên nhân do các em chưa thực sự có ý thức về sự nguy hiểm của việc tắm biển, tắm sông; khi không may đuối nước lại không bảo vệ được bản thân vì chưa có kỹ năng bơi lội; các bậc phụ huynh không quản lý chặt chẽ việc vui chơi của con em, do bận bịu đồng áng, buôn bán làm ăn, nên đã dẫn đến nhiều cái chết thương tâm.
Tuy nhiên, để tiến hành phổ cập bơi đồng loạt tại các vùng trọng điểm, trước mắt vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể giải quyết ngay được trong giai đoạn hiện nay.
Năm 2019 Ủy ban nhân dân tỉnh Ban hành Kế hoạch giao cho các địa phương và các ngành chức năng tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuốc nước tỉnh Ninh Thuận năm 2019 và các hoạt động hè cho các em trên địa bàn tỉnh.
- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn, trong đó có 11 cơ sở được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao. Tỉ lệ các cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn trên địa bàn có huấn luyện viên, hướng dẫn viên bơi, nhân viên cứu hộ và đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật đạt 73,3% (các cở sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh).
- Số trẻ em trên địa bàn tử vong do tại nạn đuối nước từ đầu năm 2019 đến nay là 03 em.
Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện nhiều kế hoạch thiết thực trong năm 2019 như:
Thường xuyên tăng cường các chiến dịch truyền thông về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, Đài Phát thanh Truyền hình, Đài truyền thanh các huyện, thành phố. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch liên tịch phối hợp với các ngành trong việc tuyên truyền phòng, chống đuối nước trẻ em thông qua đội ngũ cộng tác viên của ngành Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội, y tế cơ sở, cán bộ các tổ chức quần chúng (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân) cho cha mẹ, trẻ em và thanh niên về nguy cơ đuối nước và biện pháp phòng tránh.
Tổ chức Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuốc nước tỉnh Ninh Thuận năm 2019 và lớp tập huấn kỹ năng bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em cho các đối tượng là Giáo viên các trường tiểu học, Trung học cơ sở, cộng tác viên các huyện, thành phố, các cơ sở doanh nghiệp có hồ bơi, các ngành ký kết liên tịch (đối tượng 1) và Các em Thiếu niên – Nhi đồng lứa tuổi từ 06 tuổi đến 15 tuổi (đối tượng 2), cụ thể như sau:
Đối tượng 1 có 48 học viên (3 nữ) của 07 huyện, thành phố tham dự lớp học; đối tượng 2 có tổng số 557 em học sinh tham dự lớp học bơi (462 học sinh cấp I, 95học sinh cấp II), có 557/459 em biết bơi.
Nhận thức của các phụ huynh đối với việc tham gia kỹ năng bơi, phòng chống đuối nước, có sự đồng cảm về trách nhiệm với sự hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị của các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động bơi, lặn, vì vậy việc triển khai có được những thuận lợi nhất định. Thông qua các Lớp kỹ năng bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ em các năm 2019 cơ bản đã trang bị cho các Giáo viên các trường tiểu học, Trung học cơ sở, cộng tác viên các huyện, thành phố, các cơ sở doanh nghiệp có hồ bơi, các ngành ký kết liên tịch và em học sinh các phương pháp bơi trường sấp, bơi ếch, một số kỹ năng để tự bảo vệ mình và phòng tránh tai nạn đuối nước.
Những khó khăn, tồn tại, nguyên nhân.
- Công tác phòng, chống đuối nước trẻ em đã có chuyển biến tích cực, nhưng phần lớn vẫn dừng lại ở các văn bản chỉ đạo, mỗi năm tổ chức một lớp cho các em, qua đó vẫn còn nhiều thách thức. Nhận thức của cộng đồng, của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ vẫn còn hạn chế. Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất dạy bơi ở địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn. Môi trường sống vẫn còn nhiều nguy cơ gây đuối nước, vẫn còn nơi nước sâu nguy hiểm chưa có biển báo, rào chắn.
- Cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy bơi tại các huyện, thành phố và các trường trên địa bàn tỉnhkhông có, vì vậy sau khi tham gia lớp tập huấn về cơ sở thì không triển khai được.
- Kinh phí triển khai thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, các cơ sở kinh doanh hoạt động bơi, lặn là những doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh, vì vậy việc huy động nguồn tài trợ xã hội hóa phục vụ cho hoạt động này không có.
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện.
- Đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông, các cuộc vận động phòng, chống tai nạn đuối nước, về các nguy cơ gây đuối nước trẻ em, các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; an toàn khi tham gia giao thông đường thủy… Tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, thi viết, thi tuyên truyền viên với chủ đề phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có phòng, chống đuối nước trẻ em trên toàn tỉnh.
- Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống đuối nước trẻ em, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu trong các trường hợp khi bị đuối nước cho cán bộ, cộng tác viên tại cộng đồng.
- Lồng ghép tuyên truyền các kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước trẻ em vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường.
- Rà soát toàn bộ các công trình đang xây dựng, hệ thống thoát nước bao gồm các hố ga, miệng cống, các mương thoát nước,… nhằm đảm bảo các hố nước tại các công trình xây dựng, hố ga, miệng cống, các mương thoát nước, khu vực ao, hồ, sông, suối phải có rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, nắp đậy nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em.
- Tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, dạy bơi theo chương trình bơi an toàn cho em tại trường tiểu học, trung học cơ sở, trung tâm văn hóa, thể thao và tại cộng đồng.
- Tổ chức tập huấn về sơ cấp cứu, kỹ thuật cứu đuối cho cộng tác viên tại cộng đồng, cán bộ y tế cơ sở, cán bộ của các ban ngành đoàn thể tham gia công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại cộng đồng.
- Phát động phong trào học bơi dạy bơi trên toàn tỉnh, đặc biệt là tại một số địa phương có tỷ lệ trẻ em bị đuối nước cao và có nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Huy động sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức…hỗ trợ công tác dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.
- Tăng cường triển khai và giám sát việc thực thi pháp luật và các quy định liên quan đến phòng, chống đuối nước trẻ em như: thực thi các quy định về chất lượng phương tiện chuyên chở hành khách bằng đường thủy, quy định về tàu, thuyền chở khách đúng trọng tải quy định, việc mặc áo phao khi đi thuyền đò, không uống rượu khi lái thuyền, đò, quy định cấp phép giám sát cho các đơn vị, địa điểm du lịch, bể bơi, quy định trẻ em khi đi bơi, tắm tại bể bơi, sông, hồ, biển phải có người lớn đi kèm và có áo phao phù hợp với lứa tuổi.
- Đẩy mạnh phối hợp liên ngành giữa các ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Giao thông vận tải, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân… triển khai đồng bộ công tác phòng, chống đuối nước tại địa phương, phối hợp đưa nội dung giáo dục phòng, chống đuối nước vào chương trình giảng dạy ngoại khóa của cấp tiểu học và trung học cơ sở tổ chức các lớp đào tạo sơ cứu, cấp cứu cho các cộng tác viên, học sinh trong trường phổ thông.
Theo Sở Văn hóa, Thế thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận