Ngày 25/3/2022 tại Hà Nội, Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu (GHAI) trực thuộc Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá, Hoa Kỳ (CTFK) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Phòng, chống đuối nước trẻ em năm 2022”.
Chủ trì hội thảo là Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội và Tiến sĩ Socorro Escalante, Đại diện Tổ chức Y tế thế giới và Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc của Tổ chức GHAI tại Việt Nam.
Ngoài ra, tham dự hội thảo còn có Ông Đặng Hoa Nam - Cục Trưởng Cục Trẻ Em; Bà Anuradha Khanal, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Tổ chức CTFK/GHAI, Bà Kelly Larson - Giám đốc chương trình phòng chống đuối nước toàn cầu, Quỹ từ thiện Bloomberg, đại diện các bộ, ngành trung ương và 12 tỉnh tham gia chương trình.
Mặc dù đại dịch COVID 19 có tác động đến chương trình trong hai năm vừa qua song chương trình đã hỗ trợ dạy bơi cho hơn 14.635 trẻ em từ 6-15 tuổi và dạy kĩ năng an toàn trong môi trường nước cho 34.850 trẻ em.
Thứ Trưởng Nguyễn Thị Hà chia sẻ thực trạng đuối nước vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu của tử vong ở trẻ em. Thực trạng này đòi hỏi cần mạnh mẽ tăng cường các giải pháp chỉ đạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống đuối nước ở trẻ em, nâng cao nhận thức của cha mẹ và trẻ em trong việc nhận diện các nguy cơ mất an toàn đối với trẻ, từ đó thực hành an toàn để hạn chế tối đa các trường học đau lòng như thời gian qua.
Tại Hội thảo, Bà Kelly Larson của Quỹ Từ thiện Bloomberg khẳng định hỗ trợ Việt Nam dạy bơi cho 50.000 trẻ em và bao phủ tối thiểu 20% gánh nặng đuối nước toàn quốc nhằm góp phần thực hiện chương trình 10 năm phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, bao gồm mục tiêu giảm 10% tỉ lệ tử vong do đuối nước. Bà cũng hi vọng Việt Nam sẽ trở thành một minh chứng hiệu quả trong phòng chống đuối nước cho các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Theo Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia của tổ chức GHAI/CTFK tại Việt Nam cho rằng chương trình là một minh chứng về sự hợp tác hiệu quả giữa các bộ ngành liên quan, kinh phí đối ứng của địa phương đã tăng gấp 3 lần là tiền đề để duy trì tính bền vững và hiệu quả của chương trình. Năm 2022, chương trình sẽ hỗ trợ dạy bơi an toàn cho tối thiểu 15.400 trẻ em và dạy kĩ năng an toàn cho 18.000 trẻ em, tiếp tục đầu tư lắp đặt bể bơi tại một số khu vực khó khăn.