chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam
Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Namchương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam

Hội đồng y tế thế giới thông qua nghị quyết thúc đẩy hành động phòng chống đuối nước toàn cầu

16/02/2023 22:48:42

Các yêu cầu trong nghị quyết đối với WHO và Quốc gia Thành viên

Theo số liệu nghiên cứu, ước tính mỗi năm thế giới có khoảng 236.000 người chết vì đuối nước, chiếm 7% tổng số ca tử vong liên quan đến thương tích. Đây là vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất trên toàn thế giới. Góp phần vào phong trào giải quyết vấn đề đuối nước, trong những năm qua, WHO đã có vai trò quan trọng trong việc triển khai các sản phẩm và hoạt động phòng chống đuối nước tại nhiều quốc gia. Chính vì vậy, nghị quyết yêu cầu WHO tiếp tục lãnh đạo và hỗ trợ để thúc đẩy hành động phòng chống đuối nước toàn cầu đa ngành trong giai đoạn từ năm 2023 - 2029. 

 

Đối với các quốc gia thành viên, nghị quyết yêu cầu từng quốc gia đánh giá tình hình đuối nước tại chính quốc gia của mình để xây dựng và thực hiện chương trình phòng chống đuối nước đa ngành. Các quốc gia cũng cần đảm bảo việc lập kế hoạch chính sách toàn diện để giảm thiểu các nguy cơ dẫn đến đuối nước, thúc đẩy phòng chống đuối nước thông qua sáng kiến cộng đồng và thúc đẩy xây dựng năng lực, hợp tác quốc tế.

 

Để hiểu rõ hơn về gánh nặng thực sự và tác động của đuối nước, nghị quyết tiếp tục yêu cầu WHO xây dựng báo cáo hiện trạng toàn cầu về phòng chống đuối nước. Tất cả 194 quốc gia thành viên của WHO sẽ được mời tham gia đánh giá. Kết quả đánh giá sẽ có vai trò cung cấp thông tin quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách và người thực hiện chương trình, nhằm hướng dẫn các biện pháp phòng chống đuối nước khả thi, chi phí thấp, hiệu quả và có thể mở rộng mà WHO đã khuyến nghị và cung cấp hướng dẫn thực hành chi tiết.

 

Bên cạnh đó, Liên minh toàn cầu về phòng chống đuối nước với các tổ chức thuộc hệ thống Liên hợp quốc, các đối tác phát triển quốc tế và các tổ chức phi chính phủ cũng được yêu cầu thành lập trực thuộc kiểm soát của WHO. Liên minh sẽ có nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phòng chống đuối nước toàn cầu để hướng dẫn hoạt động của mình và tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa các đối tác. Đặc biệt, điều này trực tiếp đáp ứng Nghị quyết 75/273 (2021) của Đại hội đồng Liên hợp quốc về phòng chống đuối nước toàn cầu trước đó, khi WHO phối hợp hành động về phòng chống đuối nước trong hệ thống Liên hợp quốc và hợp tác với các cơ quan liên quan. 

 

WHO sẽ tiếp tục hợp tác trên nhiều lĩnh vực để ngăn ngừa đuối nước toàn cầu

“Đuối nước gây tác động lớn nhất đối với những người nghèo trên thế giới. Nghèo đói gia tăng và tình trạng dễ bị tổn thương đang làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về nguy cơ đuối nước.”- Tiến sĩ Etienne Krug, Giám đốc Ban Các yếu tố xã hội quyết định tới sức khỏe của WHO cho biết. 

 

Thông qua nghị quyết, mối quan hệ chặt chẽ giữa đuối nước và các yếu tố xã hội liên quan ngày càng được nhấn mạnh, tập trung vào nhóm chiếm tỷ lệ đuối nước cao nhất là những người dễ bị tổn thương và thiệt thòi về kinh tế xã hội. Đây là vấn đề nghiêm trọng, xảy ra tại hầu hết các quốc gia dù ở trình độ phát triển kinh tế khác nhau. 

 

Trước thực trạng đó, trong thập kỷ qua, cam kết phòng chống đuối nước đã được nâng cao đáng kể ở cấp độ toàn cầu. WHO đã có những đóng góp quan trọng trong phong trào này như phát triển bộ sản phẩm kỹ thuật toàn diện, tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo phát triển năng lực, hỗ trợ các hoạt động phòng chống đuối nước cấp quốc gia tại Bangladesh, Philippines, Uganda, Cộng hòa Tanzania và Việt Nam. 

 

“Tại WHO, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác giữa các lĩnh vực và với nhiều đối tác khác nhau để ngăn ngừa đuối nước và cứu sống sinh mạng.” Tiến sĩ Etienne Krug nhấn mạnh. Tinh thần này sẽ tiếp tục được lan tỏa thông qua việc phê duyệt nghị quyết của Hội đồng Y tế thế giới trong các lĩnh vực tăng cường quan hệ đối tác, cải thiện bằng chứng và tăng cường chú ý đến vấn đề sức khỏe cộng đồng.

Từ khóa:
Back-top