chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam
Chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Namchương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam

Đuối nước trẻ em: Nguyên nhân cũ - nỗi đau mới!

22/06/2020 06:03:30

Đã một thời gian trôi qua, nhưng chị H’Jiêng Cil (buôn Jiê Yuk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) vẫn chưa nguôi nỗi đau mất đứa con bé bỏng H’Tâm Cil mới 10 tuổi do đuối nước.

Chị thẫn thờ kể lại: Ngày 8-6, người lớn trong nhà đi rẫy, chỉ có mấy đứa trẻ chơi với nhau. Mọi ngày, chị vẫn thường căn dặn các cháu không được ra nghịch nước ở  ao dùng lấy nước tưới cà phê sau nhà, các cháu đều vâng lời. Nhưng hôm đó các cháu lại rủ nhau ra ao tắm. Có cháu ở trên bờ nghĩ các bạn chơi lặn nước, nhưng mãi không thấy ngoi lên mới chạy về gọi người lớn ra cứu, nhưng đã muộn. Đến khoảng 3 giờ chiều thì chị nhận được hung tin.

Cùng mất trong vụ đuối nước hôm ấy còn có cháu H’Nhi Cil (6 tuổi) – con của gia đình anh Y Mbiêng Lông Dưng. Đây không phải là trường hợp đầu tiên bị tai nạn đuối nước ở khu vực này. Vài năm trước, buôn Jiê Yuk cũng đã có 2 cháu bé bị tai nạn đuối nước ở ao đào lấy nước tưới cà phê gần đó.

Dạy trẻ học bơi là cách phòng, chống đuối nước hữu hiệu.

Cách đây chưa lâu, vào ngày 30-5, tại đập nước Hà Dưng (thôn 3A, xã Cư Amung, huyện Ea H’leo) đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm. Cả 3 nạn nhân đều là học sinh của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (xã Cư Amung). Ngày nghỉ cuối tuần các cháu đã rủ nhau đi tắm ở đập nước, mãi đến chiều tối, gia đình không thấy về nhà nên tổ chức tìm kiếm và phát hiện sự việc đau lòng. Cũng trong tháng 5, tại hồ Ea Kar (huyện Ea Kar) đã xảy ra vụ đuối nước khiến cho 2 cháu Nguyễn Quang Hải (10 tuổi, ở buôn Ea Ga, xã Cư Ni) và Phan Nhất Anh (9 tuổi, ở thôn 4, xã Cư Ni) tử vong. Điều đáng buồn khi đây không phải là những trường hợp đuối nước trẻ em duy nhất, mà những năm trước cũng chính nơi này đã xảy ra một số vụ đuối nước thương tâm, trong đó chủ yếu là học sinh.

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 19 trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước. Những con số, vụ việc đau lòng ấy cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo khi một dịp nghỉ hè nữa sắp đến. Từ các vụ đuối nước cho thấy, sự việc thường xảy ra vào các ngày nghỉ, hoặc khi các em được nghỉ học và chủ yếu là ở vùng nông thôn, tại các địa điểm như: ao, hồ, đập, suối, những hố nước sâu.

Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Ea Kar cho biết: Những tháng đầu năm 2020, trên địa bàn huyện đã có 8 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Một trong những nguyên nhân làm số vụ đuối nước tăng so với cùng kỳ các năm trước là do thời gian học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19, tuy nhiên một số phụ huynh lại chưa quản lý tốt thời gian nghỉ của các em nên đã để xảy ra những sự việc đáng tiếc. Tai nạn đuối nước trẻ em hoàn toàn có thể phòng tránh được, nhưng trên thực tế phần lớn trẻ em hiện nay chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường nước. Bên cạnh đó, do nhận thức không đầy đủ, dẫn tới thiếu trách nhiệm, bất cẩn và xao nhãng của cha mẹ trong bảo vệ trẻ em; đồng thời việc thiếu sân chơi, môi trường sống chưa an toàn cho trẻ cũng được xác định là yếu tố tác động dẫn đến đuối nước…

Có thể nói, các căn nguyên trên đã được cơ quan chức năng chỉ ra từ nhiều năm nay, song các vụ đuối nước vẫn tiếp tục xảy ra từ những nguyên nhân cũ. Để phòng, tránh đuối nước trẻ em, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Trần Phú Hùng cho rằng công tác tuyên truyền cũng như việc dạy các kỹ năng an toàn cho trẻ là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn và tạo thêm sân chơi lành mạnh cho trẻ để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung, đuối nước nói riêng. Mặt khác, các gia đình cũng cần quan tâm quản lý, giám sát con em mình; trang bị cho con kiến thức, kỹ năng sống; loại bỏ những yếu tố có nguy cơ đuối nước như: làm hàng rào, cắm biển báo quanh ao, hồ, hoặc đậy giếng, bể nước, hố nước bằng nắp bảo đảm…

Theo Báo điện tử Đắk Lắk

Từ khóa:
Back-top