Với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức của trẻ em và gia đình về đuối nước và tầm quan trọng của việc học kỹ năng an toàn trong môi trường nước; tăng cường kỹ năng cho trẻ em, trong thời gian qua đã có rất nhiều đơn vị, tổ chức trong nước và quốc tế cùng chung sức thực hiện các hoạt động tăng cường kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em bằng nhiều hình thức.
Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, tổ chức Hue Help (tổ chức từ thiện của Vương quốc Anh) đã thực hiện các chương trình phòng chống đuối nước tại Việt Nam từ năm 2011. Đến nay, tổ chức đã giúp đào tạo hơn 500 giáo viên bơi lội và 12.000 học sinh về bơi lội và an toàn nước.
Ngoài ra, một trong những hoạt động lớn nhất do WHO và Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu Hoa Kỳ (trực thuộc Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá) đã đồng hành cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai Chương trình hợp tác về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022, với sự tài trợ của Quỹ từ thiện Bloomberg.
Chương trình đã chuẩn hóa các tài liệu hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước và triển khai can thiệp tại hơn 100 xã của 21 huyện thuộc 8 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng.
Sau gần 3 năm triển khai, có hơn 17.000 cha mẹ, người chăm sóc trẻ và giáo viên mầm non được tập huấn về kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em. Hơn 78% cha mẹ, người chăm sóc trẻ được tiếp cận thông tin về chương trình và các biện pháp an toàn. Chương trình cũng giảng dạy cho hơn 30.200 trẻ em từ 6-15 tuổi về kỹ năng an toàn trong môi trường nước trong trường học với các kỹ năng và kiến thức rất thiết thực như: Kỹ năng nhận biết các môi trường nguy hiểm; đảm bảo an toàn và phòng chống đuối nước khi đi tàu, thuyền và trong mùa mưa bão; thực hành kỹ năng cứu đuối gián tiếp an toàn; kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố trong môi trường nước.
Theo một số nghiên cứu, việc đưa giáo dục kỹ năng an toàn trong môi trường nước vào nội dung học trên lớp khá đơn giản, chi phí thấp, dễ dàng điều chỉnh cho phù hợp với từng địa điểm nhưng tạo ra tương tác tốt làm tăng đáng kể kiến thức về an toàn nước ở trẻ em. Tại các huyện dự án, các hoạt động tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cộng đồng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều loại hình truyền thông được sử dụng như lễ phát động chương trình, truyền thông qua loa phát thanh, đài truyền hình, nhà trường và các ban ngành đoàn thể để bao phủ thông tin đến nhiều đối tượng nhất. Rất nhiều người dân đã nhận được những thông tin hữu ích về phòng chống đuối nước cho trẻ em cũng như là thông tin về chương trình can thiệp tại địa bàn. Kết quả điều tra tại các địa bàn của dự án cho thấy 78,1% số cha mẹ, người chăm sóc trẻ đã nắm được thông tin liên quan đến đuối nước ở trẻ em. Tỷ lệ bao phủ thông tin là rất cao nếu so với mục tiêu bao phủ 30% số gia đình có trẻ dưới 15 tuổi hiện nay. Nếu đem so sánh với các địa bàn không có can thiệp, số lượng người biết đến thông tin này là thấp hơn rất nhiều với 20,5%.
Là một trong những đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, Trưởng Ban Công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang cho biết, để tăng cường công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em dịp hè tới, Hội đồng Đội Trung ương đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở Đội tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước, tai nạn thương tích thông qua việc vận dụng tối đa các thông tin đồ họa, phim ngắn để tuyên truyền một cách trực quan, sinh động tới trẻ em trên các mạng xã hội, trang thông tin tuyên truyền của địa phương; tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí.
Đồng thời phối hợp với Tổng cục Thể dục thể thao và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai chương trình “Bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em”; chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tập huấn cho lực lượng cán bộ nòng cốt tại địa phương về kỹ năng dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước. Hội đồng Đội các cấp sẽ tiếp tục kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng bể bơi di động cho thiếu nhi ở vùng khó khăn, có tỷ lệ đuối nước cao.
Đuối nước là không thể tránh khỏi nhưng có thể phòng ngừa được nếu trẻ em có sự hiểu biết tốt về những rủi ro trong môi trường nước; đủ kỹ năng để xử lý các tình huống giúp đảm bảo an toàn cho bản thân, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.