Lo lắng trước việc Việt Nam nhiều bờ biển, sông hồ, nhưng tình trạng trẻ em bị đuối nước ngày càng tăng, việc giúp trẻ em bơi giỏi, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần luật hóa việc học sinh ra trường phải biết bơi.
Theo đó, Dự thảo Luật Thể dục, thể thao cần bổ sung quy định bơi là môn học bắt buộc trong chương trình chính khóa; đồng thời đề nghị tăng tiết học môn giáo dục thể chất trong nhà trường.
Mùa hè đến, nhiều em nhỏ được gia đình đưa ra sông, hồ để học bơi.
Về đề xuất này, hiện có nhiều tranh cãi. Bơi lội là kỹ năng sinh tồn quan trọng, tuy nhiên theo không ít chuyên gia, nếu quy định bơi là môn học bắt buộc sẽ tạo áp lực, khó khăn về ngân sách đầu tư, đồng thời tạo gánh nặng đối với gia đình, học sinh.
“Việc dạy học sinh biết bơi là cần thiết. Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm đã xảy ra, nhiều gia đình đã mất đi những đứa con mình yêu quý.
Nếu dạy bơi, ngoài việc được trang bị kỹ năng sống, học sinh sẽ được tăng cường thể lực, nâng cao chất lượng nguồn lực của đất nước. Có điều, tôi nghĩ đề xuất đưa môn bơi trở thành môn học bắt buộc trong trường học, yêu cầu học sinh phải biết bơi mới được tốt nghiệp chưa thể thực hiện ngay được”- PGS-TS Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, chia sẻ quan điểm.
Lý do cho việc này, theo PGS Bùi Thị An: Ngay ở Hà Nội, rất nhiều trường không có bể bơi, các tỉnh thành khác cũng tương tự. Thậm chí, hiện nay, nhiều nơi còn thiếu giáo viên chuyên trách, hoặc có người thì lại thiếu bể bơi. Các thầy cô còn phải dạy bơi… trên giấy, chỉ dạy lý thuyết vì không có chỗ để thực hành.
“Việc này cần có lộ trình, bắt đầu từ việc quy hoạch trường học. Chẳng hạn, trong tương lai, nếu trường nào xây mới thì yêu cầu bắt buộc phải có bể bơi, nhân tạo hay tự nhiên đều được. Phải quy hoạch ngay từ đầu, chứ bây giờ nhiều trường sân chơi cho học sinh còn không có, nói chi đến bể bơi” - PGS Bùi Thị An chia sẻ.
Ngoài ra, trong điều kiện thiếu cơ sở vật chất mà vẫn yêu cầu học sinh phải biết bơi mới được tốt nghiệp, thì buộc các gia đình phải cho con đi học bơi. Điều này sẽ gây áp lực cho các gia đình có thu nhập thấp, hay đối tượng là công nhân lao động.
“Ví dụ, vợ chồng cùng làm công nhân, lương tháng vài triệu, nuôi 2 đứa con nhỏ còn tiền đâu để cho con đi học bơi. Rồi cần thời gian đưa đón hằng ngày. Vì thế, theo tôi cần có lộ trình, chứ không nên đưa ngay việc phổ cập bơi vào luật” - PGS Bùi Thị An nêu quan điểm.
Theo Bích Hà - Báo Lao Động