Nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 15 tuổi
Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.
Chia sẻ với Lao Động, PGS.TS Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống chấn thương, trường ĐH Y tế Công cộng - cho biết, con số trên khiến cho ông vô cùng trăn trở.
“Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu với trẻ từ 0 - 14 tuổi ở Việt Nam. Tỉ lệ này thuộc mức cao tại Châu Á và gấp nhiều lần so với các nước có thu nhập cao”- PGS Cường nói.
Các vụ đuối nước thường xảy ra vào mùa hè. Địa điểm xảy ra thường có các nguồn nước mở như ao, hồ, sông, suối, ngầm tràn hay tại chính ao của gia đình và hầu hết xảy ra ở nông thôn.
Lý giải về tình trạng đuối nước xảy ra ở độ tuổi trẻ em, PGS.TS Phạm Việt Cường cho biết: "Nguyên nhân là do thiếu sự giám sát của người lớn, việc phòng tránh, sơ cứu của người dân khi gặp tai nạn đuối nước còn thấp. Trẻ thiếu kỹ năng bơi và hay hiếu động, tò mò, thích nghịch nước, có những trẻ biết bơi nhưng chủ quan hoặc thiếu kỹ năng an toàn với nước".
Tăng cường thực hiện các giải pháp
Trong giai đoạn 2015 - 2019, khi vấn đề đuối nước được quan tâm nhiều hơn thông qua những chính sách cụ thể của Chính phủ, hoạt động quản lý và triển khai hiệu quả của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự tham gia của các tổ chức quốc tế như WHO, GHAI, các tổ chức phi chính phủ, các cơ sở nghiên cứu đào tạo; phòng chống đuối nước ở Việt nam đã đạt nhiều kết quả tốt.
Theo các thống kê, nghiên cứu của Trường Đại học Y tế Công cộng qua nhiều năm, tỉ suất đuối nước ở trẻ em từ 0 - 14 tuổi giảm đều mỗi năm từ 1 - 3%, tỉ lệ trẻ em biết bơi an toàn tăng 5 - 10% tại một số tỉnh. Việc giảng dạy kiến thức an toàn trong môi trường nước của trẻ cũng được tăng cường. Bao gồm:
- Xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách can thiệp phòng chống đuối nước dựa trên các bằng chứng khoa học và kinh nghiệm thành công của quốc tế.
- Tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo kỹ năng an toàn với nước của trẻ, lồng ghép với các hoạt động đào tạo tại trường học, giúp trẻ nhận thức và tránh được các nguy hiểm khi chơi với môi trường nước.
- Triển khai xây dựng chương trình dạy bơi an toàn cho trẻ, nâng cao tỉ lệ trẻ biết bơi qua các chương trình giảng dạy hiệu quả, phù hợp với điều kiện thời tiết, kinh tế xã hội tại địa phương.
- Tăng cường truyền thông, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội phổ biến giúp tăng nhận thức, trách nhiệm của người dân về phòng, chống đuối nước trẻ em.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường thủy, phối hợp rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ tai nạn đuối nước để chủ động phòng ngừa, đảm bảo an toàn cho trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp liên ngành và có sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, cộng đồng trong công tác phòng chống đuối nước.
Nguồn: Báo Lao Động