Nghỉ hè là thời điểm các em nhỏ tạm gác lại việc học hành để thoải mái vui chơi, tận hưởng những chuyến đi biển, tham quan, dã ngoại... Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm dễ xảy ra những vụ tai nạn đuối nước đáng tiếc, khiến cho nhiều gia đình mất đi con em của mình.
Ẩn họa từ những bãi tắm tự phát
Những ngày gần đây do thời tiết nắng nóng kéo dài, vào các buổi chiều tại một số sông, hồ ở Hà Nội người lớn, trẻ nhỏ đua nhau đi tắm. Quanh khu vực hồ Tây, người dân tập trung khá đông để “giải nhiệt”. Cứ vào khoảng 15h, 16h, khi nhiệt độ ngoài trời hạ bớt, người lớn và trẻ nhỏ lại đưa nhau ra đây hòa mình ở hồ Tây để giải nhiệt. Đi dọc sông Hồng từ cầu Thăng Long đến cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì vào buổi chiều bất kể chỗ nào cũng có thể biến thành bãi tắm.
Như đoạn sông Hồng dưới gầm cầu Vĩnh Tuy, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, đã trở thành bãi tắm thu hút nhiều người dân. Bất chấp những cảnh báo về tai nạn đuối nước, nhiều trẻ em, người già không có áo phao cũng nhảy xuống sông tắm. Tại các khu vực ngoại thành nơi có nhiều điểm du lịch dã ngoại, có rất nhiều sông, hồ nước trong, mát thu hút người dân tới tắm, bơi lội.
Trẻ em cần sự giám sát của người lớn để tránh đuối nước
Cũng vì vậy, nhiều thanh niên cùng bạn bè đã rủ nhau xuống bơi dẫn đến nhiều vụ việc đuối nước thương tâm đã xảy ra. Điều đáng nói ở đây chính là ý thức của người dân trong việc tự bảo vệ mình và con em. Rất nhiều trường hợp không biết bơi vẫn cho con em đi tắm ở những vùng nước sâu. Hoặc chủ quan vì biết bơi mà không tuân thủ đúng các nguyên tắc vận động trước khi bơi thậm chí coi thường, phớt lờ các cảnh báo nguy hiểm.
Bên cạnh đó, tại các bãi tắm tự phát ở ven sông Hồng hầu như không có quản lý việc người dân ra đây tắm. Có những điểm được quản lý nhắc nhở không cho tắm, nhưng sau khi những người trông coi đi khỏi, người dân lại quay lại tắm. Các trường hợp xảy ra đuối nước hiện nay có tỉ lệ nạn nhân là trẻ em chiếm số lượng lớn. Tuy nhiên, nhiều người lớn do chủ quan cũng dẫn đến tai nạn đuối nước...
Thiếu sự giám sát trẻ em
Bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho biết, tình hình đuối nước và tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm so với giai đoạn trước đây, song vẫn ở mức cao và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tích cho trẻ em. Trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước, con số này cao hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước có thu nhập cao, làm ảnh hưởng đến quyền của trẻ, đặc biệt là quyền sống còn. Mặc dù tỷ lệ tử vong có xu hướng giảm nhưng vẫn rất chậm.
Nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế. Trẻ em còn thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc. Nhiều trẻ chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Môi trường xã hội cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em. Nhiều địa phương còn thiếu cơ sở vật chất và hướng dẫn viên dạy bơi đặc biệt là các vùng nghèo, vùng miền núi, vùng còn khó khăn...
Trong thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành luôn quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn thương tích nói chung, đặc biệt là phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Hệ thống pháp lý liên quan đến công tác phòng, chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện. Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 234 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020. Chương trình đã thể hiện sự liên kết của các ngành nhằm tăng cường nỗ lực chung để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, với mục tiêu giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em, dạy cho trẻ em các kỹ năng an toàn trong môi trường nước và tạo một môi trường an toàn cho trẻ em.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em. Kế hoạch liên ngành về phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2017 – 2020 đã được 9 bộ, ngành, đoàn thể ký kết, tạo sức mạnh liên ngành với một can thiệp tổng thể về vấn đề đuối nước trẻ em. Nhận thức của xã hội đối với việc phòng, chống đuối nước trẻ em, các nguy cơ gây đuối nước trẻ em tại gia đình, trường học, cộng đồng được loại bỏ dần. Việc dạy bơi và dạy kỹ năng an toàn cho trẻ được triển khai tại nhiều địa phương với sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức quốc tế.
Nguồn: Internet