Hằng năm, vào dịp nghỉ hè cũng là thời điểm học sinh có nhiều thời gian phụ giúp gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn. Trẻ em thường ra sông, ra vuông đặt lú, giăng câu, thả lưới để bắt cá nên nguy cơ bị đuối nước cao.
Thương tâm nhất là vào lúc 10 giờ, ngày 6/6 vừa qua, em Đoàn Tấn Đạt, 14 tuổi, học sinh lớp 8, trường THCS Nguyễn Văn Tố, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh (đi ra vuông của gia đình, cách nhà 300 m), do bất cẩn, té xuống vuông tôm. Vì không biết bơi nên em đã tử vong. Được biết, hoàn cảnh của em Đạt thật đáng thương. Cha mẹ chia tay nhau, em sống cùng ông bà ngoại.
Thời gian qua, mặc dù các cấp chính quyền huyện U Minh rất quan tâm đến công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ, nhưng do nguồn kinh phí còn nhiều khó khăn nên việc đầu tư xây dựng hồ bơi trên địa bàn chưa thực hiện được. Ngoài 1 hồ bơi huyện vừa phối hợp thực hiện từ nguồn xã hội hoá tại trường Tiểu học Thái Văn Lung (thị trấn U Minh) và 2 hồ bơi tư nhân tại Ấp 3, xã Nguyễn Phích, các xã còn lại chưa có hồ bơi.
Trẻ em tắm sông sẽ rất nguy hiểm nếu thiếu sự quan sát của người lớn.
Phó chủ tịch UBND thị trấn U Minh Nguyễn Hoàng Hiếu cho biết: "Với đặc thù là vùng sông nước nên tình hình tai nạn đuối nước đối với trẻ em rất cao. Hiện nay thị trấn có 1 hồ bơi, hằng ngày có từ 20-30 trẻ đến tập bơi. Các em ở xa không có điều kiện đến tập bơi thì được ông bà, cha mẹ thường xuyên dạy bơi tại các vuông tôm, ao hồ ở nhà. Đối với UBND xã, ngay từ đầu năm đã xây dựng kế hoạch phân công các ngành tuyên truyền vận động đến các đoàn viên, hội viên và nhân dân có ý thức hơn về phòng chống đuối nước ở trẻ em".
Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện U Minh Huỳnh Việt Bắc thông tin: "Hiện nay các trường đang thực hiện các mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn” để phòng chống tai nạn thương tích do đuối nước trẻ em. Các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống tai nạn do đuối nước trẻ em; nội dung về an toàn khi tham gia giao thông, phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH mở từ 2-3 lớp dạy bơi và kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ".
Để chủ động phòng, chống đuối nước cho trẻ em trong dịp hè, cũng như những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất, lãnh đạo huyện U Minh chỉ đạo, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường xây dựng một môi trường, an toàn cho trẻ. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong cộng đồng. Đặc biệt, đối với các bậc phụ huynh, phải hết sức nâng cao ý thức quản lý, không để các em tự do tắm sông mà không có người lớn trông coi.
Đầu tư cho công tác phòng, chống tai nạn thương tích do đuối nước là đầu tư cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Do đó, cấp uỷ, chính quyền cần đẩy mạnh xã hội hoá, nhằm huy động mọi nguồn lực từ các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng xây dựng các hồ bơi ở các trường, cụm trường, khu dân cư để phổ cập bơi đảm bảo an toàn cho trẻ./
Theo Văn Mách - Báo Cà Mau